Hoàng Phủ Ngọc Tường, kẻ say hoài niệm

Image
Ảnh: Nguyễn Hùng Cường

Nếu muốn đọc 1 tác giả lão thành, hoặc bạn vốn yêu thiên nhiên, Miền cỏ thơmLời tạ từ gửi một dòng sông nên là 2 quyển sách bạn chọn. Chúng sẽ nắm tay bạn dẫn lối vào… miền cỏ thơm, để giao lưu với mùa thu xứ Huế.

Tôi vẫn nghĩ rằng bút ký là thể loại rất khô khan, chỉ đơn thuần ghi chép sự kiện và mang tính báo chí nhiều hơn tính văn học. Quan niệm này bị lật nhào khi đọc bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhờ hôm đó vào một phút ngẫu hứng, muốn “empty my cup”, tôi đứng tần ngần trước một cái tên rất đẹp: Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hãy thử 1 lần khác đi cái thói quen và thành kiến. Sẽ đọc bằng tâm thế trống rỗng, sẽ không mong cầu tìm sự đồng cảm gần gũi hay những suy tư triết lý về cuộc đời. Sẽ không phải tiểu thuyết, truyện ngắn hay triết học Phật giáo nữa. Sẽ là một tác giả thuộc thế hệ trước. Và tôi đã chọn mua Lời tạ từ gửi một dòng sông. Để rồi sau đó, tôi lại vất vả đi tìm Miền cỏ thơm. Nhưng vẫn chưa thỏa cơn ghiền, tôi vào thư viện mượn cho bằng được cuốn Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002), một tuyển tập đầy đủ những bút ký xuất sắc nhất.

Cảm thức thiên nhiên đầy tràn trong những bút ký của nhà văn. Dường như ông không bỏ sót bất cứ vẻ đẹp nào của thiên nhiên xứ Huế, thậm chí, ở ông còn có sự cảm thương, yêu mến dành cho cây cỏ thường tình. Những chi tiết bé nhỏ hiện ra trong cái nhìn hờ hững của người khác, thì được ông nâng niu, trân quý. Thiên nhiên trong bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn vô tri vô giác, chịu sự cải tạo của con người, chúng mang linh hồn, mang tính cách, đã hòa quyện vào tâm thức tác giả, rồi thoát thai, bước vào đời ông trong dung nhan một người bạn tâm tình cố thiết. Đây là sự giao cảm của ông với mùa thu “Vì thế, bao giờ người ta cũng đón chào mùa thu bằng nỗi vui mừng đến với một người thân đi xa trở về để lại vội vã ra đi… Trên sông Hương hình như thường có nỗi bơ vơ chờ sẵn  những tâm hồn lãng tử quen xa nhà từ vạn cổ… chỉ hai đứa ngồi trên mỏm đá này, giữa một vùng làng vườn phảng phất mùi hoa ngọc lan như đã lưu lại từ những mùa hạ trước, ở xa xa vệt nước xanh thăm thẳm của sông Hương trôi lặng lẽ trong hơi sương như một cái gì thuộc về vĩnh hằng, và xen vào giữa những câu chuyện của chúng tôi là tiếng chuông chùa lan tỏa khắp cả một vùng nghe như thực như không và như phát ra từ một mái chùa cổ rêu phong bỏ quên lại từ đấy một thời gian nào đã xa của đời người. một ít lạnh, một ít thu vàng và một ít cô đơn của phận người, tôi gọi cuộc gặp gỡ với trời đất ấy là cuộc giao lưu với mùa thu” (Trích Lời tạ từ…) 

Image
Photo: giacngo.vn

Ông say mê Huế. Hình như mỗi khi đặt bút xuống là ông chìm vào những cơn say trong hoài niệm. Say với thiên đường tuổi thơ, say với bốn mùa thay đổi, say trong vẻ yên tĩnh thơm nức mùi hoa cỏ cố đô. Không gắn bó máu thịt và nặng lòng với Huế, hẳn sẽ không viết được những trang viết tài hoa và có chiều sâu văn hóa đến như vậy. Tôi đọc được rằng, nếu phải hiểu để mà có thể yêu thì cần phải yêu để mà có thể hiểu (1). Có yêu và hiểu, hiểu và yêu Huế qua những dâu bể cuộc đời, ông mới có thể phát hiện, khơi dậy, tô đậm thêm những tính cách và vẻ đẹp trầm mặc của cố đô. Ông chiêm nghiệm ra Huế là một thành phố vườn, là một bài thơ đô thị. “Vườn là ý niệm nhất quán về không gian bao quanh tất cả các loại công trình kiến trúc Huế. Vườn nhà, vườn chùa vườn cung  vườn lăng vườn làng…” (Tự dưng tôi nhớ tới câu thơ của Hàn Mặc Tử: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc)

Với Hoa trái quanh tôi, Sử thi buồn, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Mùa xuân thay áo trên cây, Ngọn núi ảo ảnh… thật không quá lời khi nói rằng, ông đã khoác lên chiếc áo huyền thoại cho vẻ đẹp của cố đô, làm vẻ vang thêm văn hóa, lịch sử. Sông núi, hoa trái, sự biến ảo của mùa màng thời tiết… ngày ngày vẫn còn lưu giữ và kể lại bao nhiêu câu chuyện trong sự quên lãng của con người. Và ông viết, như để nhắc nhở, như để tạ lỗi với quá khứ, với Mẹ thiên nhiên cho cái trí nhớ bội bạc đó. Có nhiều chỗ, ngòi bút của ông như lạc đi, mê man trong thăm thẳm hoài niệm và suy tưởng khi đứng trước những di tích hoang phế.

Tôi đọc say sưa từng trang ký, cảm phục sự uyên thâm và con mắt tinh tường của ông. Viết về bạn bè đồng nghiệp, về những nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Công Trứ… ông chú ý khai thác ở thân phận, giãi bày tâm tư tình cảm con người hơn là nhấn mạnh những chiến công, thành tựu của họ đối với dân tộc. Vì vậy, chân dung cổ nhân và bạn bè đều trở nên rất sống động và gần gũi. Và bài học lịch sử vẫn nóng hổi cho đến hôm nay. Qua những ký như thế này, quả thực ta được dung nạp một lượng tri thức không nhỏ về con người, địa lý, văn hóa… Đây là những đề tài lúc trước tôi rất ít quan tâm, cho đến khi đọc bút ký của ông.

Bút ký nào cũng thấm đẫm chất trữ tình và nồng nàn hương hoa cỏ. Văn xuôi mà trôi chảy mượt mà, êm ái như thơ. Có lúc hồn nhiên rong chơi như trẻ con, có lúc thong dong, chiêm nghiệm trong im lặng, và có lúc lại gơn lên niềm tiếc nuối, nghiêm trang như rì rầm khấn nguyện.

(1): Trích trong cuốn “Tản văn Phan Thị Vàng Anh”

31.07.2013

Một suy nghĩ 6 thoughts on “Hoàng Phủ Ngọc Tường, kẻ say hoài niệm

  1. Pingback: Người yêu bé nhỏ | CÀ PHÊ VÀ SÁCH

Gửi phản hồi cho quoctruong308 Hủy trả lời