CA SĨ HÁT GIỎI

Ngẫm lại thấy cái sự thích của người ta thật đa dạng và khó phân định. Ca sĩ tôi thích và ủng hộ chẳng có giọng ca đặc biệt, cũng chẳng có những ca khúc mà tôi thường xuyên nghe hay một album mang tính đột phá tìm tòi. Thậm chí gần đây cô còn bị chỉ trích nặng nề.

Nhận xét công bằng thì giọng ca sĩ chỉ ở mức “tầm tầm”, có chút khàn đặc trưng. Những nốt cao cô ấy hát tưởng chừng như mất hơi, nhưng cô ấy vẫn là ngôi sao hạng A từ cuối năm 2001 – cái thời nhạc Việt bắt đầu xuất hiện định nghĩa “ca sĩ thị trường” mà những đại diện tiêu biểu là lớp ca sĩ F2 như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Đan Trường, Thanh Thảo, Cẩm Ly, Nguyễn Phi Hùng… Giải thưởng Làn Sóng Xanh 2002 “tôn vinh” 3 cái tên ồn ào nhất thời điểm đó lần đầu tiên được ghi danh trong bảng là Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Thanh Thảo (Cẩm Ly, Đan Trường đã được vô từ năm 2001.) Người yêu nhạc thời này đều biết, để có tên trong bảng xếp hạng LSX ngày xưa không phải là chuyện dễ, và khi đã được “xướng tên” thì chắc chắn là một vinh dự cho bất kỳ ca sĩ trẻ nào, vì tên tuổi được đặt ngang hàng với những ngôi sao lớn như Phương Thanh, Lam Trường, Thanh Lam, Mỹ Linh…

Thanh Thảo chưa bao giờ là một giọng hát hay và cá tính, nhưng đình đám và được yêu thích thì từng có. Năm 2002, thời điểm hot nhất của Thanh Thảo, cô xuất hiện trên truyền thông khá nhiều, và đa phần là… bị chê bai. Chuyên trang âm nhạc của một số báo “phong” cho cô danh hiệu ca sĩ của “dòng nhạc thời trang” sớm nở tối tàn. Cô hát nhạc Thái giai điệu bắt tai, giật giật kiểu bình dân, còn phần lời thì hời hợt dễ quên, nhạc của cô chỉ là một trào lưu nhất thời. Thời đó tôi say mê nhạc của bộ tứ diva hoặc nhạc hải ngoại, nên rất đồng tình với nhận định của truyền thông. Nhưng báo chí càng chê bai càng khiến tôi chú ý tới ca sĩ, chủ yếu để coi Thanh Thảo hát ra sao mà nổi tiếng, và có sớm nở tối tàn như nhạc sĩ Quốc Bảo dự đoán hay không. Anh tôi lúc đó còn mua về CD gốc vol.2 Búp bê đẹp xinh mở cho khách nghe.

Sang năm 2003, trào lưu nhạc Thái bắt đầu lắng xuống, Thanh Thảo liền kết hợp với Quang Dũng ra album Hoài niệm dấu yêu với hình ảnh đằm thắm, mới mẻ hơn. Album không quá xuất sắc nhưng chứng tỏ Thanh Thảo đủ sức hát những tình ca lãng mạn, không còn là một Thanh Thảo của nhạc Thái nhí nhảnh. Có 2 bài khá hay là Đường tình hai lốiGiấc mơ sa mạc, và từ thời điểm đó, tôi mới quan tâm tới ca sĩ.

Dần dần tôi thấy thích Thanh Thảo vì… cô ấy hát giỏi. Hát giỏi là biết nắm bắt thời thế, chiều theo thị hiếu để nổi tiếng, rất thức thời. Cô biến hóa liên tục. Hát tầm tầm nhưng được yêu thích, thì đúng là “hát giỏi” hơn nhiều ca sĩ có thực lực nhưng sự nghiệp âm nhạc còn lặng lẽ. Vô số giọng ca hay bị lãng quên hoặc làm ca sĩ “chiếu dưới”.

Nhận xét khách quan thì Thanh Thảo vẫn là ngôi sao hạng A từ khi cô bật dậy khoảng năm 2001-2002, thậm chí thời điểm đó báo chí còn đem cô ra “cân đo đong đếm” với Mỹ Tâm, cũng giống như sự so sánh giữa Mỹ Tâm và Hồ Quỳnh Hương khi cô mới nổi. Thanh Thảo giữ được phong độ 2, 3 năm sau đó với vài bài hit. Rồi Mỹ Tâm bỏ xa cô trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Mỹ Tâm ngày càng đẳng cấp và được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhạc Mỹ Tâm phủ sóng ở nhiều nơi, đi vào lòng nhiều đối tượng khán giả, kể cả những khán giả khó tính nhất. Bài hit thì nhiều vô kể.

Nói thế để thấy rằng với giọng hát bình thường của mình, Thanh Thảo không thể nâng cấp âm nhạc nhưng bù lại cô biến hóa liên tục. Và mỗi album tôi đều có một ca khúc tôi thích. Việc cô trụ được đến ngày hôm nay, trong môi trường showbiz cạnh tranh đầy khốc liệt, thì quả là một quá trình nỗ lực đáng ngưỡng mộ. Có người còn gọi cô là trường hợp “vượt khó” của nhạc Việt.

Thanh Thảo vừa ra mắt album Để ta say nhằm kỷ niệm 15 năm ca hát. Album mở đầu cho sự trở lại hoành tráng sau hàng loạt những scandal bất lợi cho cô. Phân nửa số ca khúc trong album là những bản cover của các ca sĩ cùng thời (trừ Tình yêu đến trong giã từ), thậm chí ca sĩ đàn em ít tiếng như Chu Bin. Đây là điểm trừ đầu tiên cho một album được xem là sự trở lại hoành tráng, đánh dấu sự nghiệp.  Đó là chưa bàn đến chất lượng bản cover. Nức nở kiểu Đừng xa em nhé thì đã có một Minh Tuyết hát thành công rồi. Thanh Thảo hát lại sẽ không tránh khỏi so sánh, mà hiển nhiên, ca sĩ hát trước bao giờ cũng lợi thế. Để ta say lại là tên album của Hồ Lệ Thu phát hành năm 2009. Có phải những bài hát này mới lột tả hết tâm trạng và nỗi lòng của Thanh Thảo sau scandal tình ái với nam người mẫu đẹp trai đã có gia đình?

Nhìn chung, album ổn và vẫn có ca khúc hay. Bìa đẹp, sang trọng, buồn lãng mạn, nhưng để trở thành album có tầm và gây tiếng vang như album của những nữ ca sĩ gần đây thì e là không thể. Tôi thích bản cover Tình yêu đến trong giã từ. (Chắc chắn đối với nhiều người, cô hát không “qua” các giọng ca trước, nhưng tôi đặc biệt thích ca sĩ thế hệ sau hát nhạc xưa).

Với album này, mong là Thanh Thảo chiếm lại được tình cảm từ phía khán thính giả, sau những scandal bất lợi cho cô. 1,3 triệu lượt nghe trong vòng 4 ngày trên Zing là con số thành công.

Dù sao, tôi vẫn ủng hộ Thanh Thảo, vì thích đã trở thành thói quen rồi.