Vì sao ta thích selfie? Vì người luôn cần người nên ta selfie mãi không chán?

Không được nhìn thấy là một cảm giác khó chịu. Nó làm tiêu biến bản ngã, như thể tước mất sự tồn tại của ta vậy. Thật ra chúng ta cần người khác nhiều hơn chúng ta tưởng. Cái nhìn của người ngoài khiến ta cảm thấy chắc chắn về tồn tại của mình. Chính vì lẽ đó, ngoài sự tồn tại vật chất, chúng ta còn mong ước sự tồn tại trong con mắt người khác nữa. Những ảnh chân dung, không đơn giản chỉ là vật chất trên tường hay các điểm ảnh trên wall, mà còn là bằng chứng xác nhận hiện thực cho bản ngã. Đó là cách rõ nhất và đầy thuyết phục khiến ta cảm thấy bản thân mình thực (real), như David R. Loy dùng trong Tiền, tình dục, chiến tranh, nghiệp(3). Càng được nhiều lượt like comment, ta càng cảm thấy mình thực hơn.

photo-1529974445367-5b9bf0a0586e
Photo by Kyle Glenn on Unsplash

Vì sao chúng ta thích chụp ảnh selfie? Có khi quá thích đến nỗi cùng một ảnh xuất hiện ở nhiều mạng xã hội khác nhau, có khi cùng một post là bốn năm ảnh chỉ gồm mỗi khuôn mặt mình, nghiêng trái, nghiêng phải chẳng mấy khác nhau. Một người bạn của tôi từng cảm thán “Mấy người này sợ người ta quên mình hay sao á!”.

Tất nhiên mạng xã hội mang tính cá nhân và chia sẻ, chúng ta có quyền tự do thể hiện. Người viết chỉ muốn lý giải ở khía cạnh tâm lý vì sao chúng ta yêu thích hành vi này.

Được nhìn thấy có gì hấp dẫn?

Nhà văn Milan Kundera viết trong Đời nhẹ khôn kham (1) rằng chúng ta ai cũng cần có người nhìn lên mình, tùy theo cách chúng ta mong ước. Người muốn được số đông nhìn thấy, người muốn đứng giữa những người thân quen, người muốn hiện diện trước mắt người mình yêu thương, cuối cùng, thuộc số hiếm là những người “sống trong đôi mắt tưởng tượng của người vắng mặt”. Edgar Morin (2) dẫn lời triết gia Rousseau rằng “nhu cầu được người khác ngắm nhìn chính là để mình hiện hữu đầy đủ với tư cách con người.” Edgar Morin nói thêm rằng trong quan hệ với người khác, nhu cầu tự khẳng định của cái tôi cá nhân là nhu cầu rất căn bản, nó đi liền với nhu cầu công nhận người khác.

Quay về thời chưa có mạng xã hội làm phương tiện chia sẻ ảnh, chúng ta vẫn thích rửa ảnh treo lên tường nhà hoặc để bàn. Chúng ta muốn được ngắm nhìn, bởi chính mình và người khác. Có thể nói chụp ảnh selfie chính là hình thức hiện đại mà công nghệ cung cấp cho mỗi chúng ta nhằm thỏa mãn nhu cầu về bản thân mình và người khác: được ngắm nhìn. Chúng ta selfie liên tục, muốn được ngắm nhìn liên tục. Ngay cả những nhân vật vốn có sẵn danh tiếng và thành tựu cũng khó cưỡng lại sức hấp dẫn này.

Không được nhìn thấy là một cảm giác khó chịu. Nó làm tiêu biến bản ngã, như thể tước mất sự tồn tại của ta vậy. Thật ra chúng ta cần người khác nhiều hơn chúng ta tưởng. Cái nhìn của người ngoài khiến ta cảm thấy chắc chắn về tồn tại của mình. Chính vì lẽ đó, ngoài sự tồn tại vật chất, chúng ta còn mong ước sự tồn tại trong con mắt người khác nữa. Những ảnh chân dung, không đơn giản chỉ là vật chất trên tường hay các điểm ảnh trên wall, mà còn là bằng chứng xác nhận hiện thực cho bản ngã. Đó là cách rõ nhất và đầy thuyết phục khiến ta cảm thấy bản thân mình thực (real), như David R. Loy dùng trong Tiền, tình dục, chiến tranh, nghiệp(3). Càng được nhiều lượt like comment, ta càng cảm thấy mình thực hơn. Đọc tiếp “Vì sao ta thích selfie? Vì người luôn cần người nên ta selfie mãi không chán?”

[sách] Hạnh phúc đến từ sự biến mất

Nhãn quan sáng suốt của Phật giáo về hạnh phúc và khổ đau trong đời.

Ảnh: Zing.vn

Đây là những bài giảng với ngôn từ đời thường, được tập hợp lại in thành sách. Tác già là nhà sư người Anh Ajahn Brahm. Ông tốt nghiệp đại học Cambrige ngành vật lý, rất nổi tiếng ở Úc và cũng khá quen thuộc với độc giả Việt .

Tôi ấn tượng với những nhận định: hạnh phúc chỉ là khoảng dừng giữa hai sự kiện đau khổ; sầu khổ là một lực khiến ta chuyển động đi tìm giải pháp (và chẳng bao giờ tìm được, nếu có giải pháp thì đó là một khoảng dừng, chờ đến rắc rối tiếp theo); khi các vui thú phai tàn, ta trở về nơi bắt đầu (tiếp tục khao khát, tiếp tục lăng xăng chạy tìm vui thú khác và những giải pháp khác, rồi phát sinh hàng loạt phiền não), đây là tính chất “huyễn” mà Phật giáo liên tục cảnh báo với chúng sinh…

Những viên ngọc sáng của hiểu biết, được lý giải rất đơn giản, sẽ nằm rải rác đâu đó, tuỳ độ cảm và góc nhìn của mỗi người. Đọc để hiểu về cái thế gian mà ta mắc kẹt trong đó. Muốn thanh thản, trước hết ta phải HIỂU, đó là tuệ trong phật giáo.

Q.T

On the road: Gò Công, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Cù lao An Bình (Vĩnh Long)

Con đường nhỏ thuộc mé ranh giới giữa tx Gò Công và Gò Công Đông, đi thẳng từ Võ Duy Linh trong tx, dẫn qua các xã Gò Công Đông để ra quốc lộ 50, về Mỹ Tho

Đường quê quá đỗi thanh bình, Gò Công Đông

Đọc tiếp “On the road: Gò Công, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Cù lao An Bình (Vĩnh Long)”

Homo Deus – Lược sử tương lai: tầm nhìn sáng suốt của “người trên cao”

Đức Phật đôi khi cô đọng, khó hiểu. Krishnamurti quá thẳng thừng, không khoan nhượng. Còn Yuval Noah Harari, tác giả Lược sử tương lai, mới ngoài 40 tuổi, thì gần gũi và sống động hơn.

Harari giải ảo cho cách ta nhìn thế giới. Không phê phán hay tung hô, ông chỉ ra bản chất của cái thế giới đang vây chặt mỗi người chúng ta: internet, mạng xã hội, thể chế, khoa học, tôn giáo, dân chủ, tự do, hạnh phúc, thực phẩm, quan hệ giữa con người và động vật, ý nghĩa cuộc đời… bằng ngôn từ đời thường ai cũng hiểu được. Vì sao loài người (homo sapiens), ban đầu vốn yếu đuối, nhỏ bé trong tự nhiên, lại có thể chinh phục thế giới, tự phong cho mình là loài thượng đẳng so với các động vật khác? Và khi đã ngồi ở thế thượng phong rồi, bằng cuộc cách mạng khoa học, loài người soán luôn cả ngôi Chúa và đẩy lùi các vị thần sang bên lề, tạo ra một thế giới mới lấy loài người làm trung tâm, mang tên chủ nghĩa nhân văn, thời hiện đại.

Chẳng có gì viễn tưởng trong cuốn sách viết về tương lai này. Để dự đoán tương lai, ta phải hiểu hiện tại, cái mặt đất mà mỗi người đang đứng và hít thở. Harari phơi bày sự thật về thế giới loài người. Sự sáng suốt của ông làm ta choáng váng. Chân tướng thế giới hiện ra quá rõ ràng. Những gì hiển nhiên tồn tại hóa ra hoàn toàn là nhân tạo.

Phật nói, con người vì vô minh nên sống trong ảo tưởng. Krishnamurti nói, con người chỉ sống bằng hình ảnh của quá khứ trong đầu mình. Harari nói, con người sống trong những “thực tại tưởng tượng”. Khi hàng ngàn người cùng tin vào một điều, họ liền kể thành một câu chuyện, tạo ra một mạng lưới ý nghĩa xung quanh niềm tin này. Nhờ vậy mà loài người có thể đồng lòng hợp tác với nhau (và chịu hi sinh mạng sống) vì những mục tiêu chung. Họ hăng hái xây các công trình vĩ đại, tạo dựng các thể chế xã hội, hiến mình cho các loại chủ nghĩa, chiến tranh, chỉ với niềm tin sắt đá rằng mình đang làm một việc ý nghĩa. Họ, loài người, kết chặt lại với nhau chỉ bằng một “chất keo” tưởng tượng: những câu chuyện kể. Bản thân câu chuyện không quan trọng. Câu chuyện được đám đông tin mới quan trọng. Khả năng tạo ra kiểu thực tại hư cấu này, không có ở loài vật khác, giúp loài người sở hữu sức mạnh vô song, trở thành động vật cai quản thế giới. Harari so sánh dí dỏm: nếu ngày xưa người ta làm việc cho các vị thần thì ngày nay, họ làm việc cho công ty, tập đoàn. Đều là những thực thể hư cấu.

Một số luận điểm trong Lược sử tương lai có thể làm lung lay tận gốc rễ niềm tin cố hữu của hàng triệu độc giả. Ông phân tích cặn kẽ và chứng minh đầy thuyết phục: không thể có linh hồn vĩnh cửu (nếu có thì không thể loài người tiến hóa) ; không thể có cái gọi là ý chí tự do (ý chí chịu tác động lớn từ hoàn cảnh, cảm xúc, hãy kiểm chứng: bạn có thể “không muốn” cái bạn đang muốn không?); sinh vật như là một thuật toán (Harari kéo con người về lại vị trí ngang bằng con vật, không hề “thượng đẳng”). Song, những luận diểm này tìm được điểm chung với triết học Phật giáo. Theo triết học Phật giáo, không có một thực thể tuyệt đối mà chúng ta gọi là linh hồn hay bản thể bất biến. Đó hoàn toàn là dục vọng ích kỷ của con người.

Yuval N. Harari không đi tìm giải pháp cho những vấn đề to lớn của nhân loại. Ông chỉ mô tả tình trạng thế giới. Ông có biệt tài “lẫy” ra được bản chất vấn đề bằng những từ cực đơn giản và hình ảnh gần gũi. Ông gọi thời hiện đại là một bản giao kèo, trong đó giá trị tối cao là sự tăng tưởng, khoa học và tôn giáo là cặp đôi lệch lạc, chủ nghĩa nhân văn là một kiểu tôn giáo thờ con người (thay vì một Đấng), tôn giáo mới của thế kỷ 21 là dữ liệu…

Đưa ra những lý giải lớn lao về thế giới hiện đại trong 500 năm qua, Lược Sử Tương Lai mở mắt cho ta nhìn thế giới sáng tỏ hơn. Thấy rõ được cái tình thế đang trói buộc mỗi chúng ta, với người viết, vừa là sự tự do tâm thức, vừa là một niềm thanh thản.”

*Bài dự thi Book of the Year 2019 do Nhã Nam thư quán tổ chức

Lược sử tương lai của Yuval Noah Harari

Có quá nhiều thứ hay ho khiến mình chìm đắm với Yuval Naoh Harari, Lược sử tương lai, trong mấy ngày qua.

Có một chỗ tác giả như đang biện giải Kafka-Vụ án, nếu ko phải thì ít nhất nó cũng làm mình nhớ ngay tới Kafka và hơi hiểu hiểu gì đó (dù lúc đọc thì ko hiểu Kafka viết cái gì). Đó là, con người hiện đại trở thành “một bước nhỏ trong một thuật toán khổng lồ”, một “nút bấm” trong cái hệ thống mà họ tạo ra. Hệ thống-mạng lưới này có thể là hành chính, kinh tế, công nghệ, quân đội, nhà tù, tổ chức, công ty, bệnh viện, trường học…

Tác giả lý giải rất rõ cách những hệ thống-bộ máy đó vận hành như thế nào. Và con người vị nuốt chửng ra sao. Bất cứ ai cũng có thể bị thay thế và mau chóng bị lãng quên trong đó. Nhưng để bớt hoang mang trong một thế giới thay đổi đến chóng mặt, con người liền bịa ra các ý nghĩa cho mỗi hành vi và sự tồn tại của mình trong các hệ thống đó.

Con người của thế kỷ 21 bắt đầu trở nên kém quan trọng hơn nhiều so với cái gọi là hệ thống, data…

*Chữ nút bấm là do mình dùng, ko fai tác giả.

*Đang tiếp tục high với Y. N. Harari