Câu chuyện dòng sông: Chuyện đời muôn thuở

Image

Tác phẩm lấy bối cảnh Đức Phật còn tại thế, kể về chàng Sa-Môn Tất Đạt bỏ nhà ra đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Dù may mắn được hạnh ngộ Đức Phật, nhưng với niềm khao khát trải nghiệm, chàng quyết tâm đi tìm con đường giải thoát của riêng mình.

Có sự tương đồng giữa con đường tìm kiếm hạnh phúc của Đức Phật và Tất Đạt. Ngày xưa, Đức Phật rong ruổi tìm kiếm giải thoát trong 6 năm, qua nhiều bậc thầy và nhiều kiểu hành xác, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cho đến khi Ngài buông bỏ khát khao tìm kiếm, ngủ một giấc thật say bên cạnh một dòng sông, không mộng mị, không cố gắng, thì Ngài giác ngộ vào sáng sớm hôm sau. Tất Đạt cũng đã chứng nghiệm được niềm thanh thản đó ngay lúc chàng dừng lại cuộc tìm kiếm trong hoàn cảnh tương tự. Chàng trút bỏ cố gắng đi tìm, và cảm thấy tự do, bình yên tuyệt đối. Vì tìm kiếm mà chàng tự thu hẹp mình vào mục đích, bỏ quên hiện tại đẹp đẽ trước mắt. Rũ sạch tham vọng, hạnh phúc tự nhiên xuất hiện.

Gần cuối chặng đường thao thức đi tìm chân lý, Tất Đạt cho ta nghiệm ra một điều lúc chàng đuổi theo con trai mình. Mọi sự nếu không chịu đựng cho đến cuối cùng để kết thúc, sẽ trở lại, và những buồn khổ tương tự lại phải tái diễn… Chàng giật mình nhớ lại hình ảnh hệt như cha chàng năm xưa cũng đã đuổi theo ngăn cản chàng đi tìm chân lý. Vòng tròn luân hồi dâng lên trước mắt Tất Đạt. Chàng thôi không ngăn cản đứa con trai nữa, để nó đi hết số mệnh và cảm thấu hết mọi buồn vui thế gian, như chính chàng đã đi đến tận cùng con đường của mình mà từ chối những lời khấn nguyện, những buổi thánh tẩy, những lối tu khổ hạnh… Những bài học thấm thía nhất không phải nằm trong kinh sách, chúng đến từ trải nghiệm cuộc đời. Cuộc đời của mỗi người sẽ là người thầy giỏi nhất.

Tù kinh nghiệm của thể xác và tâm hồn, Tất Đạt học được rằng, nếu muốn yêu thương cuộc đời, ta phải dấn thân vào nó. Chàng đã chìm đắm trong vật chất và dục lạc, đã rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng, đã vội vã chạy theo mục đích… Nhưng nhờ vậy, chàng mới hiểu cuộc đời, và không còn muốn cuộc đời phải diễn ra đúng như mong ước của chàng nữa.

Đọc Câu chuyện dòng sông, ta còn biết rằng cuộc sống, sau cùng chỉ còn lại thực tại. Khi cuộc đời xô đẩy để ta được một dịp ngồi lặng lẽ bên dòng sông; tâm hồn vắng ngắt ta ngắm nhìn và lắng nghe tiếng hát dòng sông, như chàng Tất Đạt trong truyện. Cõi lòng trống không. Cuộc đời trống không. Tất cả đã trôi tuột đi. Thời gian chỉ trao cho ta bề mặt của nó – giây phút hiện tại – là ở chỗ ta cảm nhận được cái bất động vĩnh viễn của thời gian.

Và ta bỗng thấy cái vẻ muôn màu và sự bất diệt của sự sống. Thì ra cuộc đời cũng giống như một dòng sông. Mỗi người đều chạy theo mục đích và khát vọng riêng, rồi đi về tro bụi. Mọi dòng sông chảy qua nhiều ngã, sau cùng là đi về biển khơi. Vô số con người là vô số con sông nhỏ, vừa trôi chảy, vừa quyện lấy nhau, tạo thành con sông đời vĩ đại. Nó chứa đựng mọi hình sắc và âm thanh thế gian. Nó trồi lên sụt xuống, rồi qua đi, nhưng chưa bao giờ dừng lại hay biến mất. Tất cả đều chảy về đại dương, về hư không, về Nhất thể. Dù có ta hay không có ta, sự sống vẫn cứ triền miên như thế.

Ta học cách bình thản chấp nhận cuộc đời như đúng sự thật về nó.

Câu chuyện dòng sông (NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2009) là tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào người Đức Hermann Hesse, được viết năm 1919. Hermann Hesse từng nhận giải Nobel 1943.

Dưới ngòi bút dịch thuật của Phùng Khánh (Thích Nữ Trí Hải) & Phùng Thăng, ta có cảm giác như đang đọc một tác phẩm của nhà văn Việt Nam. Mà quả thực, bản dịch dường như có cả… giai điệu và đọc không hề bị “vấp.” Dịch phẩm này được in hơn 10 lần kể từ trước 1965. Dịch giả Phùng Khánh cũng là người dịch Bắt trẻ đồng xanh

quoctruong