LAM XƯA NHUNG XƯA…

Khi bước qua một cột mốc thời gian, người ta có thói quen nhớ lại, hoặc tổng kết những ngày tháng cũ. Tuổi thơ của tôi đa số gắn bó với việc đọc báo và nghe nhạc. Báo thì tham gia các chuyên mục, đón đọc các bài viết về ca sĩ. Nhạc thì bình chọn, ủng hộ người này, ghét bỏ người kia… Tới bây giờ, nghe nhạc vẫn nằm trong nhu cầu giải trí của tôi và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tâm hồn.

Về quê dịp tết Tây. Dọn dẹp đồ đạc và thấy những CD tôi đã cất riêng một chỗ.

Năm 14 tuổi, tôi mê mẩn hai album này.

Hình tượng Thanh Lam lúc đó rất ấn tượng: tóc hớt sát đầu mà nhiều người đùa rằng nhìn như… bị down, lối hát mạnh mẽ, há họng thật to như muốn ngoạn cả micro, “phiêu” bằng cách gào thét… Báo Tuổi Trẻ chủ nhật có nhiều bài viết về nhạc trẻ mới khởi sắc, rồi cũng khen ngợi về tour xuyên Việt của Thanh Lam, tôi lấy làm lạ với một chương trình ca nhạc chỉ có mỗi một ca sĩ. Live show Hồng Nhung diễn ra cùng thời điểm nên báo chí mang hai sự kiện này ra so sánh, khơi gợi không khí sôi nổi khiến độc giả như tôi khá quan tâm. Sau nhiều bài báo, Nghe mưa là album đầu tiên tôi được “tiếp cận” âm nhạc họ, với tâm lý rất háo hức.

Thời kỳ đó đa số người mộ điệu đều nghe nhạc hải ngoại. Từ hiện tượng Lam Trường với Tình thôi xót xa và Phương Thanh với Trống vắng, nhạc Việt bắt đầu trỗi dậy, “giành khách” với nhạc hải ngoại. Anh tôi cũng lục đục mang tất cả những CD đang mốt. Là thính giả khó tính và mê những bản hòa âm của công nghệ nước ngoài, anh cười và chậc lưỡi “Việt Nam được mỗi Thanh Lam và Lam Trường.”

Không hiểu sao ở lứa tuổi học cấp hai mà tôi thích nổi cách hát gào rú, gằn giọng của Thanh Lam, âm nhạc rên rỉ của Hồng Nhung, chứ khán giả ở tỉnh không cảm nổi, thậm chí nhiều người còn không ưa. Tôi còn lấy 2 album làm chuẩn mực đánh giá “đẳng cấp” những ca sĩ khác.

Nghe mưa vol.1 gây ấn tượng cho tôi với Bên em là biển rộng, mà trước đó, ở hải ngoại đã có một Loan Châu trình bày thành công. Qua lối hát gằn giọng, kiểu phiêu “há ha, ứ ư…” của Thanh Lam, ca khúc được mang màu sắc hoàn toàn mới và có sức nặng hơn rất nhiều. Cũng như thế, với Một ngày mùa đông, Thanh Lam đã biến ca khúc thành “của riêng”. Nếu nghe không quen, dễ cảm thấy… chướng tai. Mỗi khi mở CD này là mẹ tôi… chửi, bảo mở nhạc kiểu đó ai mà vô uống cafe. Chị tôi cười bảo tôi nghe nhạc… lạ. Còn anh tôi nói… “nặng nghe lắm.” Về sau, cách hát phiêu của Thanh Lam (và cả Mỹ Linh) tạo ra ảnh hưởng lớn đối với lớp ca sĩ trẻ, dễ thấy nhất là trong các cuộc thi âm nhạc. Tầm vóc của một nghệ sĩ chắc phải là thế.

Đó là tôi ấn tượng, chứ hồi đó tôi hâm mộ Hồng Nhung. Vẫn hát lời tình yêu, Bài hát ru cho anh, Im lặng, Em đi qua tôi… dường như được sáng tác vừa khít cho chị. Giọng chị vang vang, ngân cao thì càng sáng và rõ. Các ca sĩ thời đó cứ hát chung nhạc của nhau (đa số những bài của chú Dương Thụ) và thính giả được hưởng lợi nhiều nhất từ những sản phẩm sáng tạo, “cạnh tranh ngầm” giữa họ. Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà… hát chung nhiều ca khúc như Bên em là biển rộng, Cho em một ngày, Bài hát ru cho anh, Nghe mưa, Lắng nghe mùa xuân về… Mà cái tôi nghệ sĩ của những tài năng ngang ngửa nhau này rất lớn, họ tạo một đời sống mới cho bài hát qua cách xử lý của riêng mình. Tùy gu mỗi người mà ấn tượng chỉ dừng lại ở người hát trước hay chuộng người hát sau hơn. Năm 2008, Mỹ Tâm cover hai hit cũ của 10 năm trước trong album Trở lại không thua gì hai đàn chị, có thể nói như khai sinh thêm hit mới và khẳng định đẳng cấp của Mỹ Tâm.

Tự nhiên về nhìn lại những ngày cũ, muốn tổng kết, muốn viết – tìm một chỗ cất nó, trong tâm hồn mình… Rồi mới yên lòng đón nhận những cái mới.